260 triệu người chơi rời khỏi Hamster Kombat

Hamster Kombat Tiết Lộ Kế Hoạch 2025 trong Lộ Trình Mới:

Trò chơi blockchain nổi tiếng Hamster Kombat, từng được quảng bá là sẽ thu hút hàng trăm triệu người dùng đến với công nghệ blockchain, đã bất ngờ chứng kiến sự sụt giảm khủng khiếp về số lượng người chơi. Từ cột mốc đỉnh điểm 300 triệu người chơi sau khi kết thúc Season 1, Hamster Kombat hiện chỉ còn khoảng 41 triệu người dùng, tương đương mức giảm hơn 85%.

Đợt Airdrop gây thất vọng và giá Token “dò đáy”

Hamster Kombat được phát triển theo mô hình “tap-to-earn” và ra mắt với lời hứa mang lại trải nghiệm game đơn giản nhưng hấp dẫn, đồng thời tạo cơ hội cho người chơi kiếm tiền từ các phần thưởng blockchain. Tuy nhiên, kể từ đợt airdrop vào tháng 8/2024, sự quan tâm của người chơi đã giảm mạnh. Phần thưởng mà nhiều người dùng nhận được sau thời gian dài chơi chỉ dao động từ 5 – 30 USD, quá thấp so với kỳ vọng về “đợt airdrop lớn nhất trong lịch sử tiền mã hóa”.

Việc airdrop gây thất vọng kéo theo đà giảm của giá token HMSTR. Kể từ khi được niêm yết vào ngày 26/09 với giá 0,01 USD, HMSTR đã giảm 77.9% và hiện đang giao dịch ở mức 0,0022 USD. Mặc dù đã gần hai tháng trôi qua, biểu đồ giá của HMSTR vẫn thể hiện xu hướng đi xuống và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Đồ họa kém sắc và lối chơi tẻ nhạt của Hamster Kombat 

Hamster Kombat từng được Telegram quảng bá với mục tiêu giới thiệu blockchain đến đông đảo người dùng phổ thông. Tuy nhiên, trò chơi không duy trì được sức hút, một phần do đồ họa AI đơn giản và lối chơi không đủ hấp dẫn. Sau một thời gian trải nghiệm, nhiều người chơi cảm thấy trò chơi thiếu sự đổi mới và nhanh chóng trở nên nhàm chán.

Ngay sau đợt airdrop thất vọng, Hamster Kombat đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ cộng đồng. Tại Nigeria, truyền thông địa phương cho biết nhiều người chơi cảm thấy bị lừa dối bởi giá trị phần thưởng quá thấp so với công sức đã bỏ ra. Một số người chơi còn cho rằng chương trình airdrop chỉ là chiêu trò quảng cáo nhằm thu hút người dùng mà không thực sự mang lại giá trị.

Không chỉ cộng đồng người chơi, các chính phủ cũng tỏ ra lo ngại về Hamster Kombat. Phó Tổng tư lệnh quân đội Iran đã lên tiếng cảnh báo rằng trò chơi này có thể là công cụ “quyền lực mềm” từ phương Tây nhằm thu hút sự chú ý của dân chúng, đặc biệt trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại Iran. Quan chức này cũng chỉ trích rằng Hamster Kombat cổ vũ cho lối sống “không làm mà vẫn có ăn” và có thể tạo ra xu hướng nguy hiểm về lối sống ỷ lại và lười biếng.

Ở Nga, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia đã đề xuất cấm Hamster Kombat và gọi đây là một trò chơi lừa đảo, không chỉ vì mô hình “tap-to-earn” mà còn vì ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng đến giới trẻ.

Kế hoạch tái cấu trúc và phát triển Season 2

Đội ngũ phát triển Hamster Kombat đang nỗ lực khôi phục lượng người chơi đã mất bằng việc triển khai Season 2 cùng những thay đổi về lối chơi. Mặc dù các chi tiết cụ thể chưa được công bố, Hamster Kombat cam kết sẽ mang đến trải nghiệm thú vị hơn để giữ chân người dùng. Đồng thời, đội ngũ cũng đã lên kế hoạch cho các đợt airdrop mới với mong muốn “bù đắp sự sụt giảm người chơi từ Season 1”.

Dù vậy, tương lai của Hamster Kombat vẫn là một dấu hỏi lớn. Sau một giai đoạn đầu tiên đầy biến động, đội ngũ phát triển cần tìm cách cải thiện không chỉ về phần thưởng mà còn về chất lượng trò chơi nếu muốn lấy lại lòng tin của cộng đồng. Liệu những thay đổi trong Season 2 có đủ sức hút để Hamster Kombat hồi phục và duy trì lượng người chơi ổn định, hay trò chơi này sẽ tiếp tục trượt dốc trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các dự án blockchain khác? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào những gì đội ngũ phát triển có thể mang lại trong thời gian tới.