Fed Giảm Lãi Suất 0.5% – Tín Hiệu Hạ Nhiệt Lạm Phát

Fed Giảm Lãi Suất 0.5%

Vào ngày 18/9/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020, đưa lãi suất tham chiếu giảm 50 điểm cơ bản (tương đương 0,5%) về mức 4,75-5%. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tiền tệ sau hơn bốn năm Fed liên tục duy trì lập trường thắt chặt để kiểm soát lạm phát.

Lý do Fed hạ lãi suất

Theo Fed, quyết định giảm lãi suất dựa trên niềm tin rằng lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt bền vững và đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu 2% trong dài hạn. Fed nhấn mạnh rằng khả năng lạm phát giảm và thị trường lao động ổn định là ngang nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh chính sách.

Mặc dù Fed tỏ ra lạc quan về triển vọng lạm phát và thị trường lao động, cơ quan này cũng lưu ý rằng họ sẽ “luôn sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu có rủi ro phát sinh”. Các quan chức của Fed dự báo rằng lãi suất tham chiếu có thể sẽ tiếp tục giảm thêm 0,5% vào cuối năm nay và 1% vào năm 2025, với mục tiêu đưa lãi suất về mức 2,75-3% vào năm 2026.

Fed giảm lãi suất 0.5%
Chủ tịch FED Jerome Powell

Phản ứng của thị trường

Quyết định của Fed đã tác động ngay lập tức đến thị trường tài chính. Chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA) tăng 303 điểm, tương đương 0,7%. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq Composite cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 0,7% và 0,9%. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới tăng mạnh, tăng gần 30 USD lên mức 2.596 USD/ounce. Bitcoin lên mức 61.2k tăng 2.15%.

Lãi suất tham chiếu của Fed không trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng nó tác động đến chi phí vay mượn và lãi suất tiết kiệm trên thị trường. Khi lãi suất giảm, chi phí vay mượn trở nên rẻ hơn, giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để đầu tư hoặc mở rộng hoạt động. Người tiêu dùng cũng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn do việc gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, tác động thực sự của việc giảm lãi suất có thể sẽ cần từ 12 đến 18 tháng để phản ánh rõ ràng trong nền kinh tế. Điều này giải thích tại sao mặc dù Fed đã tăng lãi suất liên tục từ đầu năm 2022, lạm phát chỉ mới bắt đầu hạ nhiệt trong năm 2023.

Quá trình tăng lãi suất của Fed và kiểm soát lạm phát

Từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 11 lần, với mục tiêu kiềm chế lạm phát, đạt đỉnh vào mức 9% vào giữa năm 2022. Nhờ những nỗ lực này, chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 8/2024 chỉ tăng 2,5%, giảm đáng kể so với mức đỉnh trước đó. Cùng với đó, Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát mà Fed ưa thích – cũng cho thấy tín hiệu hạ nhiệt trong hai năm qua.

Bên cạnh việc kiểm soát lạm phát, tăng trưởng việc làm của Mỹ cũng đang có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vẫn giữ ở mức tích cực. Các chỉ số kinh tế khác, như doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 8, đều vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích, cho thấy kinh tế Mỹ vẫn duy trì sự ổn định.

Dự báo của Fed Atlanta cho thấy, nền kinh tế Mỹ có khả năng tăng trưởng 3% trong quý III năm 2024, phản ánh một sự phục hồi vững chắc bất chấp những thách thức từ lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt trước đó.

XEM THÊM