Phát biểu mới nhất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago ngày 16/04 đã đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong cách tiếp cận chính sách đối với tài sản kỹ thuật số tại Hoa Kỳ, đặc biệt là stablecoin – loại tiền mã hóa được gắn với giá trị của các đồng tiền pháp định như USD.
Chủ tích FED Jerome Powell “hạ giọng” với crypto
Tại sự kiện, ông Powell thừa nhận rằng trong quá khứ, Fed đã giữ quan điểm thận trọng với crypto, trong khi các cơ quan quản lý ngân hàng khác thậm chí còn nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, ông cho biết hệ thống tài chính Mỹ đang tiến tới một giai đoạn mới, nơi sẽ có sự “nới lỏng” nhất định trong quản lý tài sản kỹ thuật số.
“Chúng tôi đang hướng đến một mô hình quản lý linh hoạt hơn, nơi đổi mới được khuyến khích nhưng vẫn trong giới hạn nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính và bảo vệ người tiêu dùng,” ông Powell phát biểu.
Stablecoin trở thành trọng tâm chính sách
Chủ tịch Fed nhấn mạnh stablecoin là một sản phẩm tài chính kỹ thuật số có tiềm năng được chấp nhận rộng rãi, và việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho loại tài sản này là “một ý tưởng tốt” và “vô cùng cấp thiết”.
Trong bối cảnh stablecoin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số, ông Powell cho biết Fed đã từng phối hợp với Quốc hội để phát triển khuôn khổ pháp lý nhưng chưa thành công. Tuy nhiên, tình hình chính trị hiện tại đã thay đổi tích cực. Cả Thượng viện và Hạ viện đều đã thông qua các dự luật liên quan đến stablecoin ở cấp ủy ban, với kỳ vọng sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump trong vòng hai tháng tới.
Chính quyền Trump thúc đẩy mạnh tay
Chính quyền của Tổng thống Trump đang thể hiện rõ lập trường ủng hộ crypto, đặc biệt là stablecoin. Một loạt hành động cụ thể đang được triển khai, trong đó có việc thành lập Hội đồng Cố vấn Tổng thống về Tài sản số, với ông Bo Hines được bổ nhiệm làm người đứng đầu.
Phát biểu tại một hội nghị ở New York, ông Hines cho biết chính quyền Trump đang xúc tiến một dự luật stablecoin toàn diện, và đây sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng trong thời gian tới.
XEM THÊM
Hạ tầng pháp lý dần được gỡ bỏ
Theo số liệu mới nhất, tổng vốn hóa thị trường stablecoin đã đạt khoảng 227 tỷ USD, trong đó USDT và USDC chiếm hơn 88%. Với tính ổn định cao và khả năng thanh khoản vượt trội, stablecoin hiện đóng vai trò trung tâm trong các giao dịch crypto và chuyển tiền xuyên biên giới.
Tuy nhiên, các tổ chức tài chính truyền thống vẫn bị ràng buộc bởi các quy định lỗi thời, khiến họ chưa thể tiếp cận đầy đủ lĩnh vực này.
Trong thời điểm này, tín hiệu “bật đèn xanh” từ Fed được xem là cú hích mạnh mẽ cho toàn ngành. Bên cạnh đó, các cơ quan liên bang khác cũng đang chủ động nới lỏng các rào cản pháp lý. Cụ thể:
FDIC đã tuyên bố sẽ rút lại các hướng dẫn cũ, cho phép các tổ chức tài chính được giám sát có thể thực hiện hoạt động liên quan đến crypto mà không cần xin phép trước.
OCC (Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ) cũng xác nhận rằng các hoạt động crypto là hợp pháp trong hệ thống ngân hàng liên bang.
Với sự thay đổi lập trường rõ rệt từ Fed và sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền Trump, Mỹ đang trên đà hoàn thiện khung pháp lý toàn diện cho stablecoin – bước đi quan trọng để đảm bảo vị thế dẫn đầu trong kỷ nguyên tài chính kỹ thuật số toàn cầu. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho toàn thị trường crypto, mở ra cơ hội mới cho đổi mới và đầu tư trong lĩnh vực này.