Toà án quận Texas bãi bỏ lệnh trừng phạt Tornado Cash
Trong một bước ngoặt pháp lý quan trọng, một tòa án cấp quận tại Texas, Mỹ, đã chính thức ra phán quyết hủy bỏ lệnh trừng phạt đối với Tornado Cash – dịch vụ trộn tiền số từng bị Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ liệt vào danh sách đen vào năm 2022.
Theo hồ sơ của tòa, lệnh trừng phạt trước đó đã bị đảo ngược với lý do các hợp đồng thông minh của Tornado Cash “không phải là tài sản thuộc sở hữu của bất kỳ tổ chức hay chính phủ ngoại quốc nào”. Vì vậy, các hợp đồng này không thể bị trừng phạt theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA).
Tòa án xác nhận tính độc lập của hợp dồng thông minh
Tòa án cho rằng hợp đồng thông minh, vốn chỉ là phần mềm được lập trình sẵn với tính bất biến, không thể bị coi là “hợp đồng” hay “tài sản” theo định nghĩa của pháp luật hiện hành. Dù Tornado Cash bị OFAC trừng phạt, các hợp đồng thông minh này vẫn có thể được truy cập bởi bất kỳ ai có kết nối internet, khẳng định rằng chúng hoạt động hoàn toàn độc lập và không có sự can thiệp của con người.
Phán quyết của tòa nhấn mạnh:
“Hợp đồng thông minh của Tornado Cash không thể bị kiểm soát hay sở hữu, và vì thế không đủ điều kiện để xem là một dịch vụ có thể bị trừng phạt.”
Quyết định này của tòa án quận Texas phù hợp với phán quyết tương tự được Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đưa ra vào tháng 11/2024, mang lại sự hỗ trợ lớn cho các nhà phát triển công nghệ phi tập trung.
Sau thông tin này, giá token Tornado Cash (TORN) đã ghi nhận mức tăng ấn tượng 208%, phản ánh sự lạc quan từ cộng đồng tiền điện tử. Việc lệnh trừng phạt bị bác bỏ đã mở ra cơ hội mới cho dự án, đồng thời giảm bớt những lo ngại pháp lý vốn đè nặng lên giá trị token.
Lệnh trừng phạt gây tranh cãi từ 2022
Trước đó, vào tháng 8/2022, Tornado Cash đã bị OFAC đưa vào danh sách trừng phạt với cáo buộc tiếp tay cho các tổ chức tội phạm, trong đó có nhóm hacker Lazarus Group của Triều Tiên. Nhóm này được cho là đã sử dụng Tornado Cash để rửa tiền từ nhiều vụ tấn công mạng, gây thiệt hại hàng tỷ USD trong ngành crypto.
Lệnh trừng phạt khi ấy đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt trong ngành tiền điện tử. Nhiều tổ chức cho rằng Bộ Tài chính Mỹ đã vượt quá thẩm quyền khi áp dụng lệnh cấm đối với một công nghệ phi tập trung thay vì một tổ chức hữu hình.
Ngoài ra, hai nhà sáng lập của Tornado Cash, Roman Storm và Alexey Pertsev, cũng đã bị bắt giữ. Pertsev thậm chí bị chính quyền Hà Lan tuyên phạt tù 64 tháng.
Các tổ chức lớn như Coinbase và CoinCenter sau đó đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, cáo buộc rằng Bộ Tài chính đã lạm dụng quyền lực và làm tổn hại quyền riêng tư của người dùng internet. Phán quyết mới nhất của tòa án quận Texas có thể được coi là một chiến thắng lớn cho phong trào bảo vệ công nghệ phi tập trung và quyền tự do cá nhân.