Bank of America tham gia vào lĩnh vực stablecoin
Theo Fortune, trong cuộc phỏng vấn với David Rubenstein tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, CEO Brian Moynihan của Bank of America (BoA) nhận định ngành tài chính đang bước vào kỷ nguyên crypto, và BoA cũng không nằm ngoài xu hướng này. Ông khẳng định: “Sẽ có một stablecoin, điều đó rất rõ ràng”.
Theo ông, stablecoin là tài sản kỹ thuật số như Bitcoin nhưng được hỗ trợ bởi USD, tương tự quỹ thị trường tiền tệ (MMF) với khả năng giao dịch như tài khoản ngân hàng.
Moynihan nhấn mạnh nếu stablecoin được hợp pháp hóa, BoA sẽ tham gia lĩnh vực này bằng cách phát hành đồng tiền ổn định riêng, được liên kết với tài khoản tiền gửi bằng đô la Mỹ (USD). Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi về giá trị ứng dụng thực tế của stablecoin trong hệ thống ngân hàng.
Bank of America là ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ. Tính đến năm 2024, BoA sở hữu tổng tài sản khoảng 2.570 tỷ USD, chỉ sau JPMorgan Chase (3.580 tỷ USD). Sự tham gia của BoA vào stablecoin phản ánh xu hướng lớn hơn trong ngành tài chính truyền thống: sự chấp nhận dần dần của tiền kỹ thuật số.
Hiện nay, ngân hàng có 40 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, với 90% giao dịch diễn ra trực tuyến. Năm 2018, BoA cũng ra mắt trợ lý ảo AI Erica để hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng này đang đầu tư mạnh vào công nghệ, chi hơn 4 tỷ USD mỗi năm để phát triển hệ thống mới, với tổng chi phí vận hành công nghệ lên đến 8-9 tỷ USD/năm.
XEM THÊM
Cuộc chiến stablecoin USD tại Mỹ đang leo thang
Sự kiện BoA cân nhắc phát hành stablecoin diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý cho stablecoin. Dưới thời chính quyền Trump, các nhà lập pháp đang thúc đẩy nhiều dự luật mới nhằm kiểm soát và hợp pháp hóa stablecoin.
Hai dự luật stablecoin hiện đang được xem xét tại Quốc hội Mỹ gồm:
– Đạo luật STABLE (Minh bạch và Trách nhiệm Giải trình Stablecoin): Được công bố bởi French Hill và Bryan Steill, thực thi các yêu cầu dự trữ nghiêm ngặt hơn và cho phép quy định cấp tiểu bang.
– Đạo luật GENIUS (Hướng dẫn và Thiết lập Đổi mới Quốc gia cho Stablecoin): Được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ Bill Hagerty, yêu cầu giám sát liên bang đối với các nhà phát hành lớn và cho phép nhiều loại tài sản dự trữ.
Cuộc tranh luận gay gắt cũng đang diễn ra giữa các nhà phát hành stablecoin lớn như Circle (USDC) và Tether (USDT). CEO Circle Jeremy Allaire nhấn mạnh stablecoin phát hành tại Mỹ phải tuân thủ quy định Mỹ và không nên để các công ty nước ngoài hoạt động mà không bị kiểm soát. Trong khi đó, CEO Tether Paolo Ardoino cáo buộc Circle đang vận động chính phủ để loại bỏ USDT, stablecoin lớn nhất thế giới với tổng cung hơn 142 tỷ USD.
Các chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ lo ngại về khả năng một dự luật mới có thể hạn chế stablecoin quốc tế như USDT tiếp cận thị trường trái phiếu Mỹ, tạo lợi thế lớn cho các stablecoin trong nước như USDC hoặc một stablecoin tương lai của BoA.
Stablecoin của BoA sẽ tác động thế nào đến thị trường?
Nếu BoA thực sự ra mắt stablecoin riêng, đây sẽ là một bước ngoặt lớn cho ngành crypto. Là ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ, BoA có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, bao gồm:
– Đẩy nhanh quá trình hợp pháp hóa stablecoin, khi một tổ chức tài chính truyền thống lớn tham gia.
– Tạo đối trọng với các stablecoin hiện tại như USDT, USDC, đặc biệt nếu stablecoin này có sự hậu thuẫn của chính phủ Mỹ.
– Thay đổi cuộc chơi trong thanh toán và chuyển tiền quốc tế, nếu BoA tích hợp stablecoin vào hệ thống ngân hàng truyền thống.
Mặc dù chưa có thông tin chính thức về thời điểm ra mắt, nhưng với áp lực từ phía chính phủ Mỹ và sự cạnh tranh gay gắt trong ngành stablecoin, có thể không lâu nữa BoA sẽ công bố stablecoin của riêng mình. Ngoài BoA, một số tổ chức khác như Revolut, BBVA, State Street, Robinhood cũng đã bộc lộ ý định tham gia vào lĩnh vực này.